Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

 

Tại Sao Lại Là Hồn Nhỏ

 

“Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy nói thật với anh em: Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ này, thì sẽ chẳng được vào nước Trời” (Mat 18:2-3).
“Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: “Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào”. Rồi Ngài ôm các em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mar 10: 14-16).

 

Trên đời này không ai lại không muốn cho mình được nổi nang, danh giá, và được mọi người kính trọng. Những ông hoàng, bà chúa, những hoàng tử, công chúa, công nương, những nhà chính trị, kinh doanh, khoa học gia... nổi tiếng đều là những người mà với dáng vẻ bề ngoài không nhỏ bé, và đơn sơ tí nào cả. Ngược lại, họ là những người có đầy quyền lực, cao sang, uy nghi, và tách biệt. Mấy ai trong những thành phần thấp cổ bé miệng có thể dễ dàng đến gần với họ được. Họ chẳng là niềm tự hào, ao ước và thần tượng của biết bao người khao khát, thèm muốn đó sao. Nhưng không hiểu sao, Chúa Giêsu lại muốn tôi trở nên bé nhỏ, trở thành người bé nhỏ. Tôi xem như đấy chính là cái ngược đời, nghịch lý của Phúc Âm.
“Ai không trở nên như trẻ nhỏ không được vào Nước Trời” (Mat 18:3). Thì ra, đây chính là lý do để Chúa Giêsu muốn tôi trở nên như con trẻ. Chúa muốn tôi vào được Nước Trời. Ngài muốn tôi thật sự hạnh phúc. Nhưng Nước Trời mà Ngài nói đây là gì. Ở đâu. Ðó có phải là những hình ảnh có tính cách ảo tưởng che dấu cái thực sự nghèo nàn, đau khổ và thử thách của kiếp người không?!!!. Trong cuộc sống thực tế, con người ai cũng sợ đau khổ, thất bại, và thử thách. Ngược lại, Thiên Ðàng, Nước Trời được hiểu đồng nghĩa với đời đời vui mừng và hạnh phúc.

 

Tôi sẽ cảm thấy như thế nào, nếu tôi là một em nhỏ mà Chúa Giêsu đã ôm vào lòng, đặt ngồi trên gối, vuốt tóc, và chúc lành. Và tôi sẽ cảm nhận được gì khi nhìn vào ánh mắt yêu thương của Ngài. Suy nghĩ về điều này, tôi nghe như Ngài đang nói với mình rằng: “Con ơi! Ðường rộng rãi thênh thang thì dẫn đến diệt vong, mà đường hẹp, đường gập gềnh khó đi thì con lại không đi được. Vậy hãy để Cha vác con trên vai, bồng con trên tay, nhưng với điều kiện là con phải trở nên thơ trẻ, và bé bỏng. Nếu con lớn quá, làm sao Cha mang con trên vai, bồng con trên tay cho nổi. Vì những ai lớn thì phải tự mình đi lấy phải không con”.
Trở nên như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Nói như vậy có nghĩa là Chúa Giêsu muốn khai mở một con đường ngắn nhất, dễ dàng nhất để tôi có thể theo đó mà chiếm hữu Nước Trời, chiếm hữu hạnh phúc đời đời. Trên con đường này, tôi sẽ có dịp nhìn ngắm những chân trời huyền diệu, những kỳ quan của Thiên Chúa, mà chỉ có những ai đi trên con đường ấy mới khám phá, và cảm nhận được mà thôi.
Dĩ nhiên, khi Chúa Giêsu nói về việc con người trở nên như trẻ thơ, Ngài không muốn tôi hiểu nó như một hành động tự nhiên theo thể lý. Trở nên như trẻ nhỏ. Về phương diện thể lý tôi không thể thực hành được vì nay tôi đã lớn. Ðiều này Nicôđêmô đã hỏi Chúa và Ngài cũng đã có câu trả lời cho ông và cho tôi rồi. Trong Thánh Kinh, khi Nêcôđimô tỏ vẻ hoài nghi về lời của Chúa Giêsu nhắc nhở ông phải được tái sinh. Ông tự nhủ, với tuổi đời như ông làm sao có thể vào lại bụng mẹ mình để được sinh lại. Nhưng đó không phải là những gì Chúa Giêsu muốn nói với ông. Ngài muốn nhắc nhở về một hình thức tái sinh trong ân sủng. Một hình thức tái sinh của tinh thần thơ ấu Phúc Âm.

 

Nhưng điều mà Nicôđêmô không hiểu, sau này Têrêsa đã hiểu. Thiếu nữ này đã nhờ đọc, suy ngắm và cầu nguyện, nên đã khám phá ra một linh đạo mới, một con đường mới được gọi là Con Ðường Thơ Ấu Phúc Âm. Nhờ sống với tinh thần này, chỉ 9 năm trời dấu mình trong đan viện, Têrêsa đã trở thành một vị Thánh trổi vượt của thế kỷ chúng ta sau khi qua đời ở lứa tuổi 24. Hơn thế nữa, còn được tôn vinh lên hàng Tiến Sỹ Hội Thánh. Một vị tiến sỹ nhỏ tuổi nhất trong 33 vị tiến sỹ trong suốt lịch sử Giáo Hội, và là nữ tiến sỹ thứ 3 của Giáo Hội.
Nhưng hoa trái và ảnh hưởng của tinh thần Thơ Ấu này thì sao? Làm sao tôi có thể sống với tinh thần ấy. Cũng trong Phúc Âm, Chúa đã trả lời tôi qua những gì Ngài đã nói qua bản Hiến Chương Nước Trời, bài giảng đầu tiên khi Ngài khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Trong đó, Ngài đã chỉ cho mọi người, cách riêng các tâm hồn thơ trẻ cách thức phải sống như thế nào, và họ sẽ đạt được gì qua lối sống ấy. Theo ý nghĩa của Tin Mừng, sống và thực hành tinh thần ấy, con người có thể đạt được niềm bình an, hạnh phúc thật sự dù ngay ở giữa cảnh đời ô trọc này. Thứ hạnh phúc và niềm hoan lạc mà thế gian và Satan không thể có. Thứ bình an, hạnh phúc mà con người có thể mua chuộc được bằng quyền lực, giầu sang, hay bất cứ một thủ đoạn nào. Vì đó là niềm vui của tâm hồn, một sự bình an chìm lắng mà chỉ có những ai kết hợp, sống, và thực hành tinh thần thơ trẻ mới có, và mới cảm nhận được mà thôi: “Thầy ban cho các bình an. Thầy không ban như lối thế gian ban” (Gioan 14:27).

 

Một tinh thần nghèo. Một tâm hồn biết xót thương. Một tâm hồn ao ước sự công chính. Một tâm hồn trong sạch. Một trái tim xây dựng hòa bình. Ðó là những gì diễn tả lối sống và hành động của những tâm hồn trẻ thơ. Ðó cũng là những gì mà Chúa Giêsu muốn tôi, và tất cả những ai thiện chí cần phải suy nghĩ và sống. Vì nó chính là tinh thần thơ ấu Phúc Âm. Tinh thần của hồn nhỏ.
Têrêsa đã tiến nhanh và tiến vững mạnh trên đường trọn lành nhờ khám phá và đi trên con đường này. Trên thực tế, khi tôi tham dự Phong Trào Hồn Nhỏ, và tận hiến cho tình yêu Thiên Chúa, chính là tôi đã tự bước chân vào con đường nhỏ bé ấy. Tôi tự biến tôi thành một trẻ thơ trước mặt Thiên Chúa. Và từ đó, Ngài có thể bế tôi lên, và ẵm bồng tôi qua những con đường mà Ngài muốn dẫn tôi bước vào. Dĩ nhiên, không phải là con đường tôi tự chọn. Cũng không phải là con đường cao sâu, mầu nhiệm mà theo Têrêsa là con đường mà những thánh nhân phi thường xưa nay của Giáo Hội đã đi.
Vậy hãy trở nên như trẻ nhỏ, là trở nên những em nhỏ theo tinh thần Thơ Âu Phúc Âm. Sống và thực hành lời khuyên của Phúc Âm được tóm lược trong bản Hiến Chương Nước Trời. Một đời sống nội tâm được xây dựng trên nền tảng của đơn sơ, khiêm nhường, phó thác, và trong sạch. Như một trẻ thơ dưới ánh nhìn của mẹ, tôi cũng phải biến đổi đời tôi nên như một trẻ thơ dưới ánh nhìn quan phòng của Thiên Chúa. Têrêsa đã nói: “Mọi sự đều lớn lao nếu có tình yêu lớn lao.”

 

Nếu tôi không ở những địa vị lớn. Nếu Chúa không trao cho tôi nhiều nén bạc, thì tôi hãy sống với địa vị nhỏ bé và trao đổi với Chúa qua số vốn ít ỏi bằng một tình yêu lớn lao. Làm mọi việc dù rất nhỏ bé với lòng yêu mến. Và làm mọi việc chỉ vì yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Như một trẻ thơ, chỉ biết làm vui lòng cha mẹ, và cũng chẳng làm gì khác hơn là lao vào lòng mẹ mình mỗi khi có cơ hội. Sự gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa qua kinh nguyện. Sự đơn sơ đón nhận tất cả những gì Ngài trao ban bằng thái độ tin yêu, tín thác, đó chính là những điểm thực hành thường ngày của tôi trong đời sống một hồn nhỏ.
Vậy tại sao lại là một hồn nhỏ? Ðó chính là vì tôi không dám tự nhận mình lớn hơn bất cứ ai. Ngoài ra, tôi cũng chẳng dám nghĩ rằng mình có thể đến với Chúa bằng con đường gập gềnh, trơn trượt của các thánh nhân cao cả. Vì tôi yêu mến, và cảm nhận được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho những ai đến với Ngài bằng tâm tình và lối sống của một con trẻ. “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: “Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào”. Rồi Ngài ôm các em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mar 10: 14-16).

 

www.dunglac.org

Trần Mỹ Duyệt

 

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ