Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Toát Yếu
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

 

- Phần 1: Tuyên Xưng Đức Tin

- Phần 2: Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo

- Phần 3: Đời Sống Trong Đức Kitô

- Phần 4: Kinh Nguyện Kitô Giáo

 

 

Kompendium des Katechismus der Katholischen Kirche

Bản dịch của UB Giáo Lý Ðức Tin Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

 

 

Dẫn Nhập

Toát yếu mà hôm nay Tôi giới thiệu cho Hội Thánh phổ quát là một tổng hợp trung thành và chắc chắn sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo

 

TỰ SẮC ĐỂ CHẤP THUẬN VÀ CÔNG BỐ
BẢN “TOÁT YẾU GIÁO LÝ”
CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 

Kính gởi CHƯ HUYNH đáng kính,
Quý HỒNG Y, THƯỢNG PHỤ, TỔNG GIÁM MỤC, GIÁM MỤC
LINH MỤC, PHÓ TẾ VÀ MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA
 
Cách đây hai mươi năm, sách GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO đã bắt đầu được soạn thảo, theo yêu cầu Khoá họp bất thường của Thượng Hội đồng Giám mục nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II.

Tôi vô cùng cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho Hội thánh sách Giáo lý này; sách này đã được công bố vào năm 1992 do vị tiền nhiệm kính yêu của Tôi, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. 

Giá trị lớn lao và vẻ đẹp của quà tặng này đã được hàng Giám mục xác nhận qua việc các ngài đón nhận một cách tích cực và rộng rãi. Sách Giáo lý ấy nhắm trao vào tay các vị Giám mục như bản qui chiếu chắc chắn và đích thực để giảng dạy giáo lý công giáo và đặc biệt để soạn thảo các sách giáo lý địa phương. Sách Giáo lý cũng được mọi thành phần Dân Chúa đón nhận cách thuận lợi đáng kinh ngạc. Sách này cho đến nay đã được dịch ra hơn năm mươi thứ tiếng.

Giờ đây, với niềm vui lớn lao, Tôi chấp thuận và công bố bản Toát yếu Giáo lý này. 

Vào tháng 10 năm 2002, các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế về Giáo lý đã nói lên một yêu cầu phổ biến trong Hội thánh là ước mong có được bản Toát yếu sách giáo lý. Vị Tiền nhiệm kính yêu của Tôi đã đón nhận ước muốn này và vào tháng 02 năm 2003 đã quyết định bắt đầu thực hiện. Ngài trao việc soạn thảo cho một Uỷ ban Hồng y, do chính Tôi làm chủ tịch, với sự cộng tác của nhiều chuyên viên. Trong quá trình làm việc, một dự thảo bản Toát yếu này được chuyển đến các Hồng y và những vị Chủ tịch các Hội đồng Giám mục. Bản dự thảo này được một số rất đông đón nhận và đánh giá cao.  

Toát yếu mà hôm nay Tôi giới thiệu cho Hội thánh phổ quát là một tổng hợp trung thành và chắc chắn sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Bản toát yếu này chứa đựng cách ngắn gọn mọi yếu tố căn bản và nền tảng của đức tin Hội thánh, tạo thành một thứ thủ bản “cầm tay – Vademecum” như vị Tiền nhiệm của Tôi ước muốn, cho phép mọi người, dù tin hay không, có thể có được một cái nhìn toàn diện về đức tin công giáo.

Bản Toát yếu này phản ánh cách trung thành sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo ngay trong cấu trúc, nội dung lẫn ngôn ngữ; hy vọng nhờ sự hỗ trợ và động viên của bản Toát yếu này, sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo được biết đến cách rộng rãi hơn và được đào sâu nhiều hơn.

Với sự tin tưởng, Tôi trao bản Toát yếu này trước tiên cho toàn Hội thánh và đặc biệt cho từng người Kitô hữu, để vào thiên niên kỷ thứ ba này, mỗi người nhờ vào bản Toát yếu, có được một sức bật mới trong cố gắng Phúc Âm hoá và giáo dục đức tin. Đây phải là đặc điểm của tất cả các cộng đoàn trong Hội thánh và của tất cả những ai tin vào Đức Kitô, bất luận tuổi tác hay thuộc quốc gia nào.

Nhờ tính chất ngắn gọn, trong sáng và đầy đủ, bản Toát yếu này cũng nhắm đến mọi người, đang sống trong một thế giới phân tán và có quá nhiều sứ điệp, khao khát biết được con Đường Sự sống, Chân lý, đã được Thiên Chúa trao phó cho Hội thánh của Con mình.

Khi đọc bản Toát yếu có thẩm quyền này, nhờ sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Đức Kitô và là Mẹ Hội thánh, mỗi người có thể nhận ra và đón nhận ngày một hơn vẻ đẹp, sự thống nhất và tính hiện thực bất tận của món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại: đó là Con Duy Nhất của Ngài, Đức Giêsu Kitô, Đấng là “Đường, là Sự thật và là Sự sống”  (Ga 14,6).
 
Ban hành tại Rôma, gần Đền thờ thánh Phêrô, ngày 28 tháng 06 năm 2005,
Áp Đại lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô,
Năm thứ  nhất triều đại Giáo hoàng của Tôi

 

BENEDICTUS  PP XVI

 

 


Bức tranh Đức Kitô PANTOCRATOR (Chủ tể muôn loài), có một vẻ đẹp mỹ thuật đặc biệt, gợi nhớ lời Thánh vịnh: “Giữa thế nhân, ngài vô song tuyệt mỹ, ân sủng được tuôn đổ trên môi ngài”(Tv 44 [45], 3). Áp dụng lời ca ngợi này vào Chúa Giêsu, thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Đức Kitô ở vào tuổi tuyệt vời, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần; nơi Người chiếu tỏa một nét đẹp trên cả hai bình diện, nét đẹp của tâm hồn và nét đẹp của thể xác” (Giáo phụ Hy Lạp [PG] 52,479).

Bằng ngôn ngữ tượng hình, bức tranh này là một tổng hợp các Công đồng chung đầu tiên, không những trình bày vẻ huy hoàng của nhân tính, nhưng cả vinh quang của thần tính Chúa Giêsu.

Đức Kitô mặc một áo dài đỏ, bên ngoài là một áo choàng xanh đậm. Hai màu sắc này nhắc nhớ đến hai bản tính của Người, trong khi các phản chiếu ánh vàng gợi lên ngôi vị thần linh của Ngôi Lời. Từ vai phải có một dây các phép nạm vàng sa xuống, biểu trưng chức tư tế vĩnh cửu của Người. Gương mặt Người, uy nghi và trang trọng, được bao bọc bằng bộ tóc dày trên  nền một hào quang ở giữa có hình thánh giá. Trên hình thánh giá có ba mẫu tự O?N (Người là Đấng Hiện Hữu) lấy lại mạc khải danh Thiên Chúa trong sách Xuất Hành 14,3. Trên cao, ở viền bức tranh có hai cặp mẫu tự “IC – XC” (“Jesus” – “Christus”) tạo thành tựa đề cho bức ảnh.

Bàn tay mặt, ngón cái và ngón đeo nhẫn gấp lại gần như đụng nhau (để chỉ hai bản tính của Đức Kitô trong sự hợp nhất của ngôi vị), được trình bày với cử chỉ đặc trưng của việc ban phúc lành. Ngược lại, bàn tay trái, siết chặt quyển Tin Mừng; quyển sách này có ba ổ khóa, nhiều viên ngọc trai và đá quí. Quyển Tin Mừng, biểu trưng và tổng hợp Lời Chúa, cũng có một ý nghĩa Phụng vụ vì trong mỗi Thánh lễ chúng ta đều đọc một đoạn và khi truyền phép chúng ta đọc lại  lời của chính Chúa  Giêsu.

Bức tranh này liên kết một cách thành công những yếu tố tự nhiên và biểu trưng, mời gọi chúng ta suy niệm và bước theo Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, thông qua Hội thánh là Hôn thê và là Thân thể nhiệm mầu của Người, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục chúc lành cho nhân loại và soi sáng nhân loại bằng Tin Mừng của Người, đó thực sự là cuốn sách của chân lý, của hạnh phúc và của ơn cứu độ con người.   

Vào tháng 08 năm 386, khi đang ở trong vườn, thánh Augustinô nghe một tiếng nói với ngài : “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc” (Tự thuật 8,12,29). Bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo là một tổng hợp Tin Mừng của Chúa Giêsu được huấn giáo của Hội thánh dạy dỗ; đó là một lời mời để mở quyển sách chân lý và đọc, và có thể là “ nuốt đi” như lời ngôn sứ Êdêkien (x. Ed 3,1-4).

THÉOPHANE DE CRÈTE (1546), Bức tranh về Đức Kitô, Tu viện Stavronikita, núi Athos.

 

 

 

DẪN NHẬP

 

1. Ngày 11 tháng 10 năm 1992, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trao cho các tín hữu trên toàn thế giới sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, như một “bản văn qui chiếu” [1] cho Giáo lý được canh tân từ nguồn gốc sống động của đức tin. Ba mươi năm sau ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II (1962-1965) một ước mơ đã trở thành hiện thực, ước mơ này đã được Thượng Hội đồng bất thường của các Giám mục vào năm 1985 đạo đạt lên, đó là ước muốn có một sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo trình bày tất cả đức tin cũng như luân lý.

 

Năm năm sau, ngày 15 tháng 08 năm 1997, khi công bố Ấn bản mẫucủa sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Đức Giáo hoàng xác nhận mục đích cơ bản của tác phẩm này: “Đây là một trình bày đầy đủ và trọn vẹn giáo lý công giáo, cho phép mỗi người nhận ra điều Hội thánh tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày của mình” [2].

 

2. Để làm nổi bật giá trị giáo lý và để đáp lại một yêu cầu do Đại hội Quốc tế về Giáo lý đạo đạt vào năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập một Ủy ban đặc biệt vào năm 2003, đứng đầu là Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ủy thác cho ngài công tác viết một bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, trong đó các nội dung đức tin được trình bày một cách tổng hợp hơn. Sau hai năm làm việc, Ủy ban viết được bản Dự thảo bản toát yếu; bản này được trao cho các Hồng y và Chủ tịch các Hội đồng Giám mục để xin ý kiến. Một số đông các phúc đáp đều đánh giá cao bản dự thảo này. Vì thế Ủy ban bắt đầu cho duyệt lại bản dự thảo dựa theo các đề nghị chỉnh sửa để chuẩn bị cho bản văn cuối cùng.

 

3. Bản Toát yếu này có ba đặc điểm chính như sau : lệ thuộc chặt chẽ vào sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo; hình thức hỏi thưa; và việc sử dụng các hình ảnh nghệ thuật vào trong Giáo lý.
Trước hết, bản Toát yếu này không phải là một tác phẩm hoàn toàn độc lập và cũng không phải để thay thế cho sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo; ngược lại luôn qui hướng về sách Giáo lý, bằng cách ghi những số liên hệ và theo sát cấu trúc, cách trình bày và nội dung của sách Giáo lý. Ngoài ra bản Toát yếu muốn khơi dậy mối quan tâm và lòng nhiệt thành đối với sách Giáo lý, sách vẫn luôn là bản văn nền tảng cho giáo lý của Hội thánh ngày nay bởi cách trình bày khôn ngoan và chiều sâu thiêng liêng của nó. 

 

Như  sách Giáo lý, bản Toát yếu cũng chia ra làm bốn phần tương ứng với những lề luật căn bản cho đời sống trong Đức Kitô.

 

Phần đầu tiên – có tựa đề “Tuyên xưng đức tin” – gồm một tổng hợp cơ bản về Lex credendi, có nghĩa là Luật đức tin được Hội thánh Công giáo tuyên xưng, một tổng hợp rút  ra từ Kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ, được bổ túc bằng bản Kinh Tin Kính của hai Công đồng Nicea và Constantinopoli, mà việc công bố liên tục trong những buổi họp mặt giúp người Kitô hữu luôn nhớ các chân lý nền tảng của đức tin. 

 

Phần thứ hai – có tựa đề “Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo” – trình bày các yếu tố căn bản của Lex celebrandi. Việc rao giảng Tin Mừng tìm được câu trả lời thích ứng trong đời sống Bí tích. Trong đời sống này, các tín hữu có kinh nghiệm và làm chứng trong mỗi giây phút cuộc đời mình hiệu năng cứu độ của mầu nhiệm Vượt qua, trong đó Đức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta.

 

Phần thứ ba – có tựa đề “Đời sống trong Đức Kitô” – nhắc nhớ lại Lex vivendi, có nghĩa là sự dấn thân mà các tín hữu biểu lộ trong thái độ và sự chọn lựa đạo đức của mình, sự trung thành với đức tin đã được tuyên xưng và được cử hành. Chúa Giêsu mời gọi các tín hữu thực hiện những hành động phù hợp với phẩm giá là con của Chúa Cha trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.

 

Phần thứ tư – có tựa đề “Kinh nguyện Kitô giáo” -  trình bày một tổng hợp về Lex Orandi, có nghĩa là về đời sống cầu nguyện. Theo gương Chúa Giêsu, mẫu mực tuyệt vời cho kẻ cầu nguyện, người Kitô hữu được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa trong kinh nguyện, mà một trong những cách diễn tả ưu thế nhất là Kinh Lạy Cha, đó là kinh do chính Chúa Giêsu dạy chúng ta.

 

4. Đặc điểm thứ hai của bản toát yếu này là hình thức đối thoại, lấy lại hình thức cổ xưa của sách giáo lý, gồm các câu hỏi và câu thưa. Đây là cách đối thoại giữa thầy và trò qua một loạt câu hỏi gây chú ý cho người đọc, mời gọi họ khám phá những phương diện luôn luôn mới của chân lý đức tin của mình. Hình thức hỏi thưa thu ngắn bản văn, đúc kết vào điểm chính yếu, tiện cho việc học thuộc lòng nội dung. 

 

5.  Đặc điểm thứ ba là có nhiều hình ảnh làm nổi bật cách phân chia bản toát yếu. Các tranh ảnh này được rút từ gia sản phong phú của nghệ thuật tranh ảnh thánh của Kitô giáo. Từ truyền thống cả nghìn năm của các Công đồng, chúng ta học biết rằng tranh ảnh cũng là một cách rao giảng Tin Mừng. Các nghệ nhân của mọi thời đại trình bày cho các tín hữu chiêm ngắm và kinh ngạc trước những sự kiện nổi bật của mầu nhiệm cứu độ với sự huy hoàng của màu sắc và vẻ đẹp tuyệt vời. Đó là một dấu chỉ cho thấy tranh ảnh thánh, trong văn hóa hình ảnh ngày nay, có thể diễn tả nhiều hơn là ngôn từ, vì trong sự sinh động của nó, sứ điệp Tin Mừng sẽ có nhiều hiệu quả hơn khi được diễn tả bằng ngôn từ và được tiếp tục truyền đạt. 

 

6. Bốn mươi năm sau ngày kết thúc Công đồng Vaticanô II và trong năm Thánh Thể, bản Toát yếu có thể xem như là một công cụ mới để thỏa mãn khát vọng tìm kiếm chân lý của các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và trong mọi hoàn cảnh, cũng như ước muốn của những ai, dù chưa phải là tín hữu, đang khao khát chân lý và công bằng.

 

Việc công bố bản Toát yếu này được diễn ra trong ngày Đại lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cột trụ của Hội thánh toàn cầu và là những người rao giảng gương mẫu Tin Mừng cho thế giới trong thời đại của các ngài.

 

Các vị Tông đồ này biết rõ điều các ngài rao giảng và chứng minh cho chân lý Đức Kitô đến hy sinh mạng sống. Chúng ta hãy bắt chước các ngài trong sự dấn thân truyền giáo và cầu xin Chúa cho Hội thánh luôn dõi theo giáo huấn của các Tông đồ, nhờ các ngài mà Hội thánh đã lãnh nhận trước tiên lời tuyên xưng vinh phúc của đức tin. 

 

Lễ Lá, ngày 20 tháng 03 năm 2005

Hồng Y Joseph Ratzinger
Chủ tịch Ủy Ban đặc biệt

 

 

 

Chú thích

[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Fidei depositum, 11.10.1992, DC 91 (1993) trang 1.

[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Laetamur magnopere, 1508, 1997, DC 94 (1997) trang 851.

 

Kiệt tác hoành tráng diễn tả việc các Đạo sĩ đến thờ lạy Chúa (x. Mt 2,1-12) trình bày mạc khải của Chúa Giêsu cho muôn dân. Mầu nhiệm Nhập thể là một hồng ân không những dành cho niềm tin của Đức Maria, của thánh Giuse, của các người phụ nữ, của những mục đồng, những con người đơn sơ của dân Israel, nhưng cũng cho niềm tin của những kẻ xa lạ đến từ phương Đông, để thờ lạy Đấng Mêsia mới sinh và dâng lên Người các lễ vật : “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).

 

Các Đạo sĩ là những người đầu tiên của những dân tộc được mời gọi đến đức tin; họ đến với Chúa Giêsu không phải với bàn tay không, nhưng với sự phong phú của quê hương và văn hóa của họ.

 

Tin Mừng của Chúa Giêsu là lời cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thánh Giáo hoàng Lêô Cả đã nói : “Mọi dân tộc, được ba vị Đạo sĩ này đại diện, thờ lạy Đấng Sáng Tạo vũ tru,ï và Thiên Chúa không những được rao giảng trong vùng Giuđêa, nhưng trên toàn thế giới, để Danh Ngài thật vĩ đại trên toàn Israel (x. Tv 75,2)” (Bài giảng thứ 3 ngày lễ Hiển linh).

 

Phần thứ nhất của bản Toát yếu trình bày việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người và là lời đáp trả đức tin mà Hội thánh, nhân danh toàn thể nhân loại, dâng lên đáp lại hồng ân Nhập thể cứu độ của Con Thiên Chúa và cuộc Mạc khải thần linh của Người.

 

Gentile da Fabriano (1423), Các Đạo sĩ thờ lạy, Galleria degli Uffizi, Florenz.

 

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ